Trung Quốc giảm số tàu tại khu vực giàn khoan 981

Theo nhận định của Cục kiểm ngư, tình hình ở khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép đã có phần lắng dịu. Số tàu của Trung Quốc đã giảm xuống còn 125.
Tàu Trung Quốc thường xuyên chặn mũi tàu của cảnh sát biển Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Nguyễn Đông.
Tàu Trung Quốc thường xuyên chặn mũi tàu của cảnh sát biển Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ngày 22/5, lượng tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 chỉ còn 125, thay vì 137 như hôm qua. "Tình hình tại khu vực có phần lắng dịu", đại diện Cục Kiểm ngư nhận định.
Tại thực địa, các tàu kiểm ngư của ta vẫn duy trì khoảng 20 tàu, tiến sâu và áp sát giàn khoan hơn để phát loa tuyên truyền, yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam. 
Trong khi đó, tàu Trung Quốc tập trung thành các nhóm khoảng 8-10 tàu, gồm tàu cá, tàu hải cảnh, tàu hải giám, tàu kéo vây ép, sẵn sàng đâm va, phun nước vào các tàu kiểm ngư của Việt Nam ở khoảng cách 4-5 hải lý. Các tàu Trung Quốc có những hành động cố tình gây hấn, nhằm muốn lực lượng kiểm ngư Việt Nam va vào, để họ quay phim, chụp ảnh. Tuy nhiên, các tàu của Việt Nam không mắc mưu và vẫn kiên định đấu tranh hòa bình.
 Tối 22/5, Quốc hội Việt Nam đã ra thông điệp yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi khu vực thềm lục địa của Việt Nam.  Quốc hội kêu gọi đồng bào cả nước đoàn kết, thống nhất và đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước.
Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III chiều nay, nhân chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng tại quốc đảo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, hành động đặt giàn khoan của Trung Quốc đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn một số hãng tin quốc tế, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nói, Việt Nam luôn nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình và tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay. Tuy nhiên ông cũng đánh giá. "Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói".
Ông nhấn mạnh: "Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".

Đăng nhận xét