Tôi là thằng đào mỏ


Tôi là thằng đào mỏ
Tôi là thằng đểu cáng và tham lam (Ảnh minh họa)
Chính bản thân tôi khi nhìn lại, tôi cũng luôn bị hai chữ hèn và tham ám ảnh.
Tôi biết khi kể câu chuyện của mình, nhiều người sẽ bảo tôi là thằng đào mỏ, thằng đểu cáng, tham lam… Tôi không phủ nhận! Chính bản thân tôi khi nhìn lại, tôi cũng luôn bị hai chữ hèn và tham ám ảnh. Thế nhưng đã là con người, chẳng mấy ai tự tin thoát khỏi vòng xoáy của vật chất.

Tôi sinh ra và lớn lên ttrong một gia đình nông dân, ở một ngôi làng mà người ta cũng không biết bám víu vào đâu để mưu sinh ngoài mấy tấc đất cắm sào. Tuổi thơ của tôi gắn liền với bùn đất lấm lem và những buổi trưa mò cua bắt ốc nắng cháy da cháy thịt.

Những năm tôi học cấp 3, mùa màng thất bát, bố mẹ cũng không kiếm được việc để làm thêm, gia đình tôi rơi vào cảnh túng quẫn. Em gái đang học lớp 9 phải nghỉ học. Ở làng tôi khi ấy, con trai, con gái chỉ học hết lớp 8, lớp 9 thì nghỉ học, đợi đủ tuổi thì cuới vợ gả chồng, sinh con đẻ cái rồi lại bám vào mành ruộng để sống. Bởi thế cái nghèo trở thành một vòng luẩn quẩn đeo bám mãi.

Thương bố mẹ, thuơng em, tôi tự nhủ không được đi vào lối mòn của lũ trai làng. Tôi chọn con đường học. Rồi thi đỗ vào trường cao đẳng sư phạm của tỉnh. Tôi khăn gói lên đường mang theo quyết tâm và niềm tin phải đổi đời bằng mọi cách. Những năm tháng sinh viên, hai từ thoát nghèo cứ đau đáu trong đầu tôi.

Cuối cùng tôi cũng ra trường và được nhận về dạy hợp đồng ở một truờng cấp 2 của huyện. Lương giáo viên ba cọc ba đồng, phải tằn tiện lắm tôi mới đủ tiền ăn ở. Ở huyện này, khác với vùng quê nghèo của tôi, người dân có nghề thủ công nên cuộc sống rất khấm khá. Không ít những cậu trai trẻ bằng tuổi tôi, đã có xe ga, ô tô đi lại ầm ầm, nhiều người thậm chí còn xây được cả nhà cao cửa rộng. Tôi nhìn lại mình, một anh giáo viên quèn nghèo khổ mà cảm thấy chua xót.

Trong lúc tôi đang loay hoay với những dự định, toan tính để mong làm giàu, thì một việc xảy đến đưa cuộc đời tôi sang một trang mới. Chuyện bắt đầu từ khi tôi về làm giáo viên hợp đồng ở ngôi trường cấp hai của huyện. Vốn được coi là hiền lành, lại thêm sự nhiệt tình, năng nổ, tôi sớm chiếm được cảm tình của các thầy cô trong trường, đặc biệt là thầy hiệu trưởng.
Ngoài thời gian lên lớp, mỗi khi có thời gian rảnh, thầy thường hay tâm sự với tôi. Dù cách nhau một thế hệ nhưng chúng tôi nhanh chóng trở thành  đôi bạn thân thiết. Tôi thầm nhủ phải biết giữ lấy mối quan hệ quý báu này, bởi không phải ai cũng có được may mắn được thầy yêu quý như tôi.
Tôi dạy ở trường được vài tháng, thương cảnh tôi thân trai trẻ ngày ngày đi dạy, trưa và tối lại về nhà trọ thổi nấu một mình, thầy hiệu trưởng ngỏ ý muốn nhận tôi làm con nuôi và mời về nhà thầy ở. Tôi không ngại ngần chớp lấy cơ hội, thầm nhủ sau bao nhiêu ngày tháng vất vả, giờ đây ông trời cũng đã ban cho tôi một chút may mắn.

Thân thiết với thầy hiệu trưởng là vậy, nhưng chưa một lần tôi đến nhà thầy chơi. Bởi vậy, khi mang đồ đạc đến nhà thầy, tôi không khỏi choáng ngợp trước ngôi biệt thự 3 tầng, rộng đến cả trăm mét vuông, tọa lạc ngay giữa phố huyện tấp nập.

Vậy là từ đó, tôi trở thành con nuôi của một gia đình bề thế và có nằm mơ, tôi cũng không thể hình dung có ngày mình được sống trong một ngôi nhà lộng lẫy đến thế. Ngôi nhà mà bố mẹ và 2 anh em tôi vẫn sống có lẽ chỉ bé bằng góc sân của tòa biệt thự này. Tôi phải bấu vào tay mình để chắc rằng không phải tôi đang mơ.

Ở nhà bố nuôi một thời gian tôi mới biết, bố đi dạy chỉ để cho vui, còn dinh cơ này hai vợ chồng đã gây dựng từ khi còn trẻ và giàu lên nhờ đổ buôn nguyên vật liệu cho những hộ làm nghề thủ công. Nhà bố chỉ có hai cô con gái, cô chị đã lấy chồng và theo chồng vào miền Nam, nghe đâu gia đình chồng cũng bề thế lắm. Còn cô út nhỏ hơn tôi vài tuổi, đang theo học trên tỉnh, thỉnh thoảng mới về nhà.

Hai bố mẹ không có con trai, con gái đầu lại lấy chồng xa nên giờ chỉ mong cô út tìm được chàng rểhiền, để sau này còn được nhờ cậy về tinh thần. Đêm ấy tôi về phòng nằm mà thao thức không chợp mắt được, chẳng phải tôi đang được dâng một mâm cỗ bằng vàng ngay trước miệng đó sao? Chị cả đã đi lấy chồng xa, vậy chỉ cần ai lấy cô út và chịu phụng dưỡng bố mẹ vợ, số tài sản kếch xù này chắc chắn sẽ rơi vào tay người đó.

Tôi là thằng đào mỏ, Bạn trẻ - Cuộc sống, Chuyen tinh yeu, tinh yeu, tam su, dao mo, nha vo, chang re, lam re, lay chong, gia dinh, hon nhan, am anh, con re, nha ngheo, nha vo, bo me vo, tai san, tinh yeu giao tao, lua tinh
Cuộc sống hôn nhân không có tình yêu, lại luôn phải nhìn nhà vợ mà sống (Ảnh minh họa)

Nghĩ đi nghĩ lại, đây đúng là một mũi tên trúng hai đích. Nếu tôi lấy cô út, tôi vừa có vợ lại vừa có nhà. Trong khi, với đồng lương ba cọc ba đồng của tôi, nếu có chăm chỉ làm lụng cả đời cũng không dám mơ đến việc mua được mảnh đất chứ nói gì đến căn biệt thự rộng thênh thang này. Tôi không thể vựt mất cơ hội này, vậy là tôi âm thầm thực hiện kế hoạch của mình.

Sáng, tôi dậy sớm quét sân rồi nấu đồ ăn sáng cho bố mẹ nuôi. Ăn xong, tôi chở bố đi làm rồi chở bố về. Chiều tôi đi tập thể dục cùng mẹ rồi về nấu cơm tối trong lúc bố mẹ tắm giặt. Ăn xong, tôi lại rửa bát. Những ngày nghỉ, tôi lau dọn cả tòa biệt thự, cắt cỏ, tỉa cây, cùng mẹ đi chợ. Ban đầu, bố mẹ nuôi tôi nhất định không để cho tôi làm những việc ấy, nhưng thấy tôi kiên quyết cũng không kém, ông bà phải chịu thua.

Thực lòng, ở nhà bố mẹ đẻ, tôi cũng hiếm khi phải động vào những việc này vì đã có em gái, nhưng nghĩ đến viễn cảnh được làm rể, được thừa hưởng gia sản, tôi lại cắn răng chịu đựng. Dẫu sao, so với những việc đồng áng, mấy việc vặt này cũng chăng thấm vào đâu.

Rồi cô út cũng đi học ở tỉnh về. Lần đầu gặp, gã trai quê như tôi đã bị hớp hồn bởi vẻ đẹp tiểu thư đài các. Nhưng cô út rất ngạo mạn và chẳng thèm để ý đến tôi. Càng vậy, tôi càng quyết tâm phải lấy cô ta làm vợ cho hả dạ. Sau những lần bắt chuyện làm quen, tôi chỉ nhận được những câu trả lời hờ hững từ cô tiểu thư kiêu kỳ. Lòng tự ái nổi lên, tôi hứa với mình phải chiếm được cả cô ta và gia sản này.

Tôi biết đám thanh niên ở khu này vẫn kháo nhau rằng tôi là “đũa mốc chòi mâm son”, nhưng họ càng nói thế, tôi càng quyết tâm thực hiện bằng được. Dần dà, tôi chiếm được cảm tình và sự tin tưởng của bố mẹ nuôi. Ông bà hài lòng về tôi lắm và không ngớt lời khen ngợi thời này khó tìm được một người đàn ông chăm chỉ hiền lành như tôi.

Gia đình ông bà không đặt nặng chuyện tiền bạc mà coi trọng nhân phẩm con người. Bởi vậy, mỗi lần cô út về, hai ông bà đều có ý ghép đôi cho tôi và luôn nói tốt về tôi. Nhưng cô út vẫn ương bướng, thậm chí còn ít về nhà để tránh  gặp mặt tôi.

Tôi biết chắc rằng trong thâm tâm của bố mẹ nuôi, tôi đã thành con rể của họ. Tôi cũng thường đánh tiếng rằng mình và cô út đang tìm hiểu nhau để đám trai làng  hết đường nhóm ngó. Vậy là chỉ còn một cửa ải lớn nhất mà tôi phải vượt qua đó là chinh phục được cô út. Và, tôi đã nghĩ ra một kế hoạch.

Một hôm, tôi chở mẹ nuôi đi rút tiền ở ngân hàng huyện. Chúng tôi tranh thủ đi vào buổi trưa vì sáng và chiều tôi phải đi dạy. Biết rõ đường đi và lịch trình, tôi thuê hai thanh niên giật túi xách của mẹ và gây ra vụ tai nạn ở đoạn đường vắng. Tôi chủ định mình sẽ biến thành anh hùng, xông ra đánh nhau với bọn cướp để giành lại tiền và bảo vệ mẹ nuôi, nhờ đó ghi điểm trong mắt cô út. Nào ngờ, hai tên thanh niên tham tiền, chúng chỉ chăm chăm giật túi tiền của mẹ tôi, khiến hai mẹ con ngã sõng soài rồi chạy mất.

Mẹ bị gãy chân sau tai nạn, còn tôi chỉ bị xây xước. Mấy tháng mẹ nằm bó bột, tôi luôn túc trực, hầu hạ. Kế hoạch diễn ra không đúng như dự định, lại mua việc vào người nhưng tôi vẫn cố vui vẻ, gỡ điểm bằng cách tận tụy chăm sóc cho mẹ. May thay, cô út cũng hiểu được tấm chân tình ấy, thêm những lời tác động của bố mẹ, mối quan hệ của chúng tôi đã cải thiện đáng kể.

Hơn 1 năm sau, dù vẫn không yêu tôi, nhưng cô út đành chịu thua trước sức ép từ bố mẹ. Cuối cùng tôi đã lấy được cô út. Nhưng giờ đây, tôi vẫn nhẫn nhịn cung phụng cả bố mẹ và vợ để đổi lấy món tài sản thừa kế. Tôi sắp đạt được những gì mình muốn, tôi sắp hoàn thành giấc mơ thoát nghèo, nhưng lạ thay, tôi lại chẳng cảm thấy vui.

Cuộc sống hôn nhân không có tình yêu, lại luôn phải nhìn nhà vợ mà sống. Nhiều lúc tôi giật mình tự hỏi, không biết tôi đã tính toán để lấy được cô út hay bố mẹ nuôi đã tính toán để cô út lấy được tôi? Chưa biết bao giờ mới được hưởng thừa kế, chỉ biết hiện tại tôi vẫn phải tỏ ra vui vẻ khi chăm sóc và phụng dưỡng gia đình nhà vợ hơn cả bố mẹ đẻ của mình. 


Theo Hôn Nhân & Pháp Luật

Đăng nhận xét